Khám phá vẻ đẹp huyền bí của lăng Khải Định qua góc nhìn lịch sử

Một trong các lăng ở Huế được nhắc nhắc đến nhiều nhất trong các địa điểm du lịch xứ kinh kỳ, đó chính là lăng Khải Định. Bởi đây được xem là công trình với kiến trúc rất độc đáo và mang giá trị nghệ thuật cao. Vậy lăng vua Khải Định có gì đặc biệt so với các lăng tẩm khác? 
Hãy cùng Bamboo Airways theo dõi bài viết sau đây để có được sự giải đáp chi tiết bạn nhé.

1. Tiểu sử vua Khải Định

Vua Khải Định (1885 - 1925) tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, được sinh ra tại kinh thành Huế vào năm Ất Dậu. Khải Định lên ngôi từ năm 1916, là vị vua nhà Nguyễn thứ 12, hiệu là Phúc Tuấn. 
Trong những năm ngự trị ngôi vua, Khải Định đã cho xây cất rất nhiều công trình đồ sộ. Trong đó, lăng Khải Định Huế là điểm khác biệt trong tất cả các lăng tẩm mà vị vua Nguyễn này đã cho xây dựng.

Việc xây nhiều dinh thự, cung điện, lăng tẩm đã gây ra hao tổn của cải, sức lực của nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là những công trình mang lại nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Trị vì được hơn 9 năm thì Khải Định qua đời, hưởng thọ 41 tuổi. Ông được tẩm liệm tại lăng Khải Định với hiệu là Ứng Lăng. Song song đó, Khải Định cũng được truy tôn với miếu hiệu là Hoằng Tông.

 

2. Vị trí lăng Khải Định

Lăng Khải Định được khởi công xây dựng vào tháng 9/1920. Lăng được đặt tại triền núi Châu Chữ (hay còn được gọi là Châu Ê), xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, thuộc Cố đô Huế. Đây là nơi khá yên tĩnh, không gian thoáng đãng, xung quanh là những địa điểm du lịch khá hấp dẫn, thường có đông người lui tới như Hồ Thủy Tiên, Đồi Thiên An, khu tâm linh tượng Phật Bà Quan  m,... Lăng mộ này đã phản ánh rõ cá tính thích chưng diện, xa hoa của Khải Định lúc còn tại thế.

 

3. Lịch sử xây dựng lăng Khải Định

3.1. Trước khi xây

Từ lúc thay cha là vua Đồng Khánh lên ngôi, Khải Định đã suy nghĩ đến việc xây cất sinh phần cho mình sau này.  Ông tiến hành mời các thầy địa lý về để tính toán, tham khảo tấu trình của họ để chọn nơi xây dựng khu lăng tẩm tốt nhất. Qua nhiều ý kiến, vua Khải Định đã chọn triền núi ở khu vực Châu Chữ là vị trí phong thủy để xây lăng.

Với vị trí đã chọn, lăng Khải Định được xây theo mô hình sau:

  • Quả đồi thấp ở phía trước triền núi sẽ làm tiền án
  • Núi Kim Sơn, Chóp Vung chầu trước mặt làm “Tả Thanh Long” (Rồng xanh, thường ở bên trái và đại diện cho phương Đông) và “Hữu Bạch Hổ” (Hổ trắng, ở bên phải, đại diện cho phương Tây)
  • “Thủy tụ” được hình thành từ khe Châu Ê chảy từ trái sang phải được gọi là “minh đường”

Theo mô hình trên thì triền núi Châu Chữ đã trở thành hậu chẩm và cũng là mặt bằng của lăng vua Khải Định. Vì thế, Khải Định đã đổi tên núi thành Ứng Sơn và đặt tên lăng theo tên của núi nên thường được gọi là Ứng Lăng.

3.2. Quá trình xây dựng

Lăng Khải Định do Lê Văn Bá - Tiền quân Đô Thống chỉ huy xây dựng, kéo dài trong thời gian 11 năm, mãi đến năm 1931 (Tân Mùi) mới hoàn tất. Ngoài người phụ trách chính, lăng vua Khải Định có được diện mạo như ngày nay là do bàn tay khéo léo của nhiều thợ nghề, nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước. Có thể kể đến như Cửu Sừng, Phan Văn Tánh, Ký Duyệt, Nguyễn Văn Khả,...
Khi khởi công xây lăng, Khải Định bị vướng phải vấn đề lớn về kinh phí. Thế nên, vị vua nhà Nguyễn này quyết định xin chính phủ bảo hộ cho phép mình tăng thuế điền lên 30%. Lệnh đóng thuế này được áp dụng trên khắp cả nước nhằm mục đích lấy tiền nhân dân đóng thuế đổ vào việc làm lăng mộ. Và lịch sử đã lên án gay gắt hành động “uống máu” dân đen này của vua Khải Định.

Lăng Khải Định được xây với diện tích là 117m x 48.5m. So với những lăng tẩm của vua chúa trước đó thì lăng Khải Định Huế có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, nó lại được làm cực kỳ công phu, vật liệu sử dụng đều nhập từ nước ngoài về như xi măng, thép, ngói Ardoise, sắt (Pháp), thủy tinh màu, đồ sứ (Nhật Bản, Trung Hoa),... Đặc biệt, công trình này được thực hiện rất tốn thời gian do sự kỳ công cũng như tỉ mỉ mài dũa từng chi tiết một.

 

4. Kiến trúc lăng Khải Định

4.1. Kiến trúc tổng quan

Lăng Khải Định cho đến nay được đánh giá là công trình kiến trúc dung hợp giữa cổ điển và hiện đại, nằm ngoài các dòng kiến trúc thời Nguyễn cũng như kiến trúc lăng tẩm truyền thống. Vì thế, vua Khải Định cũng được nhắc đến là vị vua “tân thời” nhất trong các đời vua nhà Nguyễn. 
Kiến trúc lăng Khải Định ở Huế được hình dung với 3 từ: mới - độc - lạ. Xét về mặt tổng thể, Ứng Lăng được xây lên với một khối hình chữ nhật vươn cao đến 127 bậc cấp.

Nó là sự kết hợp hài hòa của các trường phái kiến trúc khác nhau như Phật giáo, Roman, Ấn Độ giáo, Gothique,... Sự kết hợp này được thể hiện rõ nét trên công trình kiến trúc vĩ đại, lăng Khải Định như sau:

  • Ảnh hưởng từ Phật giáo có trụ biểu dạng stoupa
  • Các trụ cổng hình tháp có từ kiến trúc của Ấn Độ
  • Hàng rào được ví những cây thánh giá khẳng khiu
  • Kiến trúc Roman biến thể thông qua vòm cửa,, các hàng cột bát giác ở nhà bia

Có thể nói, kiến trúc lăng Khải Định là bước đệm cho sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong lịch sử nước ta.

4.2. Cung Thiên Định

Cung Thiên Định được xem phần kiến trúc chính của Ứng Lăng. Cung này được xây dựng rất công phu, tinh xảo từ những nghệ nhân lành nghề, nhất là nghệ nhân Phan Văn Tánh. Ông là tác giả của 3 bức bích họa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam “Cửu Long ẩn vân”. Những bức họa này được mang đi trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa của cung Thiên Định.
Công trình cung Thiên Định được xây dựng gồm 5 phần liền nhau:

  • Hai bên cung Thiên Định là Tả, Hữu Trực Phòng, dành cho lính hộ tăng
  • Phía trước cung là điện Khải Thành, nơi có bày án thờ và chân dung vị vua nhà Nguyễn - Khải Định
  • Chính giữa của cung Thiên Định là bửu tán, pho tượng nhà vua (được đúc bằng đồng) đặt ở trên và mộ phần của vua ở phía dưới
  • Trong cùng làm khám thờ bài vị của vua Khải Định

Nội thất trong cung Thiên Định được trang trí bằng những vật liệu tốt nhất như thủy tinh, sành sứ. Có thể kể đến những sản phẩm được làm từ các vật liệu kể trên như: bộ tranh tứ quý, ngũ phúc, vương miện, bát cửu, bộ khay trà,... Bên cạnh đó, cung Thiên Định còn bày trí một số vật dụng hiện đại như đèn dầu hỏa, đồng hồ báo thức, vợt tennis,...

Trên đây là tất cả những thông tin về lăng Khải Định, một dấu ấn lịch sử với vẻ đẹp huyền bí, mang dáng dấp của sự hiện đại. Nếu có dịp ghé thăm Huế thương thì bạn hãy một lần đến Ứng Lăng để được tận mắt chiêm ngưỡng một khu lăng tẩm uy nghi nhưng vẫn không kém phần độc đáo, mới lạ.