Khám phá bản Cát Cát, ngôi làng đẹp nhất vùng Sapa, Tây Bắc

Trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S xinh đẹp, có lẽ cái tên SaPa đã không còn xa lạ với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nơi đây có rất nhiều địa danh nổi tiếng như đỉnh Phanxipang, cổng trời SaPa, nhà thờ đá SaPa. Cùng với đó phải kể đến một địa danh hấp dẫn và đặc trưng cho văn hoá của vùng đất Tây Bắc, đó chính là bản Cát Cát. Cùng theo chân Bamboo Airways khám phá ngay bản Cát Cát SaPa qua bài viết sau đây.

1. Giới thiệu về bản Cát Cát

Nằm cách trung tâm thị trấn SaPa khoảng 3km, bản Cát Cát được hình thành vào thế kỷ 19, thuộc địa phận xã San Sả Hồ huyện Sa Pa. Đây là làng người dân tộc Mông ở miền núi Tây Bắc Việt Nam tập trung sinh sống. Khi đến nơi đây, bạn không chỉ được chào đón nồng nhiệt mà còn được nghe kể những câu chuyện liên quan đến các địa danh trong vùng.

Đến đầu thế kỉ 20, thực dân Pháp biết đến sự tồn tại của bản và lấy nơi đây làm nơi nghỉ chân cho các quan chức, họ cho xây dựng một nhà máy thủy điện mang tên CatScat. Kể từ đó bản làng này cũng lấy tên là Cát Cát, một cách đọc lệch đi của CatScat. 
Bản nằm trong thung lũng, ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Bởi vậy xung quanh bốn bề đều là núi non hùng vĩ bao phủ. 
Giữa màu xanh của núi rừng, đồng ruộng, với những nếp nhà gỗ mộc mạc, nhỏ nhắn, những dòng suối nhỏ chảy qua cùng những con người bé nhỏ, bản Cát Cát như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ nhưng không kém phần thơ mộng của núi rừng Tây Bắc.

 

2. Đường lên bản Cát Cát

Đường lên bản Cát Cát rất đẹp, bắt đầu từ trung tâm thị trấn, bạn chỉ cần men theo con đường hướng về phía núi Phanxipang là tới nơi. Đặc biệt, từ trung tâm thị trấn Sapa đến cổng của bản Cát chỉ khoảng hơn 2km, nếu bạn đi bộ sẽ được thả hồn vào cảnh sắc tuyệt đẹp hai bên đường. Một bên là các dãy núi cao trùng điệp, bên còn lại là thung lũng SaPa ngát xanh với những thửa ruộng bậc thang bát ngát.

 

3. Kinh nghiệm đi bản Cát Cát 

Khi đi du lịch nói chung và tới khu du lịch Cát Cát SaPa nói riêng, kinh nghiệm là thứ rất cần thiết để chuyến đi được suôn sẻ. Sau đây là một số kinh nghiệm Sapa du lịch mà bạn cần nắm bắt.

  • Trong bản không được phép đi xe máy, do đó sau khi đến bản bạn nên gửi xe ở ngoài với giá gửi xe máy là 10 nghìn/xe
  • Giá vé vào bản Cát Cát là 50 nghìn/người. Khi mua vé, nên lấy một tấm bản đồ miễn phí chỉ đường và các nơi nên đi tham quan trong bản, rất hữu dụng.
  • Ở cổng bản có dịch vụ thuê quần áo dân tộc để chụp ảnh. Bạn có thể thuê để  “sống ảo” với giá 50 nghìn/bộ. Ngoài ra còn rất nhiều phụ kiện có thể thuê như vòng tay, ô che nắng,...
  • Có những trẻ em dân tộc bán đồ thủ công sẽ đi theo bạn, vì vậy bạn nên chuẩn bị một ít kẹo để các bé không đi theo bạn nữa. 
  • Bạn có thể lựa chọn ở khách sạn hoặc homestay. Một gợi ý khách sạn cho bạn là khách sạn Cát Cát SaPa.

 

4. 9 điểm hấp dẫn khi tới bản Cát Cát 

Bản Cát Cát có gì? Đó là câu hỏi của rất nhiều người khi muốn tới đây. Sau đây là 9 địa điểm hấp dẫn thôi thúc bạn nên đến khu du lịch Cát Cát:

Trải nghiệm con đường dẫn vào bản 

Trải nghiệm thú vị đầu tiên phải kể đến là đi trên con đường hơn 2km dẫn vào bản. Nếu đi bộ thì càng tốt vì bạn có thể ngắm cảnh rõ hơn, nhưng đi xe máy cũng vẫn cho phép bạn hòa mình vào cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng suốt dọc đường đi với những núi non, thung lũng và ruộng bậc thang trên đường đi bản Cát Cát.

Những bậc thang lát đá trên các con đường 

Sau khi đã đến bản, vừa bước qua cánh cổng, hiện ra trước mắt bạn là những bậc thang nhỏ đủ cho hai hàng người đi, được lát đá sạch sẽ và bóng loáng. Hai bên đường là nhà cửa, quầy hàng bày bán đủ thứ khiến con đường trở nên vô cùng nhộn nhịp và ấn tượng, chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ. 

Những ngôi nhà mộc mạc của người dân địa phương 

Một điểm hấp dẫn cho du khách khi đến làng Cát nữa chính là những ngôi nhà nhỏ của người dân tộc Mông nơi đây. Chúng được làm bằng gỗ và có tên là “nhà trình tường”. 

Không gian bên trong giống với các ngôi nhà vùng Tây Bắc khác, bếp đặt ở giữa nhà gần nơi tiếp khách, có thêm một hai gian để ngủ phía trong. Bên ngoài nhà có thể trồng hoa, treo xích đu, thậm chí có thể đặt chậu cây lên mái nhà trông rất xinh đẹp. 

Trung tâm bản Cát Cát 

Nếu đã tới bản thì vào trung tâm bản là điều không thể bỏ qua. Không chỉ được tham quan làng nghề thủ công truyền thống của người dân trong vùng. Khi đi hết con đường dốc được lát đá, bạn sẽ chứng kiến một khung cảnh tuyệt đẹp trước mặt. 
Đập vào mắt chính là một dòng thác trắng xóa hùng vĩ. Gần đó là các cảnh vật như cầu tre, cối xay nước khổng lồ hay đu quay bằng gỗ đều sẽ khiến bạn phải mê đắm. 

Thác Bạc 

Dòng thác hùng vĩ này được người Pháp tìm ra và đặt tên là Thác Bạc hay thác Cát Cát. Thác chảy dốc thẳng từ trên xuống dưới, làm tung những bọt nước trắng xóa. Thêm vào đó giữa bốn bề là núi non bạt ngàn sẽ cho bạn cảm nhận hết vẻ đẹp tráng lệ của mẹ thiên nhiên.

Ẩm thực bản Cát Cát 

Là làng của người dân tộc Mông nên chắc chắn ẩm thực bản Cát Cát ở SaPa sẽ khiến bạn hào hứng bởi những món ăn độc đáo bạn chưa từng nếm, thậm chí là chưa nghe tên bao giờ. Một số món nổi tiếng ở đây là rượu táo mèo, rượu ngô Mông, thịt hun khói khăng-gai, tiết canh gà, thắng cố, nhái nấu măng,.. Tất cả đều mang hương vị đặc biệt khiến du khách nhớ mãi không quên. 

Phong tục tập quán

Tới bản Cát, bạn sẽ hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người Mông nói riêng và nhiều dân tộc miền núi nói chung, ở đây vẫn giữ gìn nhiều phong tục độc đáo. Về ăn mặc, phụ nữ vẫn quấn vải quanh đầu thành một chiếc khăn, đeo thắt lưng có họa tiết cầu kì và mặc váy hình nón cụt. Áo đàn ông vẫn có hai lớp, lớp trong là áo xẻ nách, lớp ngoài là áo dài. 
Tục kéo vợ vẫn còn được lưu giữ. Tuy nhiên hiện nay phần lớn đã là do tự nguyện và chỉ kéo để giữ đúng lệ. 
Ở đây có lễ hội Gầu được tổ chức vào đầu năm để cầu phúc, cầu mệnh. Dân bản sẽ nhảy các điệu múa đặc trưng trong tiếng sáo Mông, tiếng khèn lá, tiếng đàn môi. 
Ấn tượng với nghề thủ công lâu đời 
Bên cạnh nghề trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang, du khách còn bị ấn tượng với nghề thủ công lâu đời ở đây như dệt vải, chạm trổ bạc và chế tác trang sức. Những trang sức như vòng cổ, vòng tay, nhẫn được khách du lịch rất ưa thích. Ngoài ra thổ cẩm với 4 màu sắc chủ đạo là xanh, trắng, đỏ, vàng được dệt cực kì khéo léo và tỉ mỉ cũng rất được lòng du khách. 
Thưởng thức rượu táo mèo đặc sản 
Nếu đã tới đây, bạn nên một lần thưởng thức rượu táo mèo với giá 10 nghìn/ cốc. Hương vị đặc trưng của loại quả núi rừng cộng với rượu tự nấu cay cay chắc chắn sẽ làm bạn nhớ mãi không quên. Đây là đặc sản của người Mông và chính điểm này cũng góp phần thu hút du khách.
 

Trên đây là một số thông tin về bản Cát Cát SaPa mà bạn nên đặt chân tới một lần trong đời. Ngoài ra, bạn cũng có thể lên lịch khám phá các địa danh khác ở SaPa. Nếu có cơ hội đi du lịch tới đây, đừng quên liên hệ tới hãng hàng không Bamboo Airways để có cách thức thuận tiện nhất để đến tới núi rừng Tây Bắc nhé!